Những điểm cần lưu ý khi phát âm bảng chữ cái tiếng Nhật
02:17 23/10/2024
Để có thể học được một ngôn ngữ nào đó theo bạn kỹ năng nào là cần thiết và quan trọng nhất? Điều quan trọng nhất khi bắt đầu học một ngôn ngữ đó là kỹ năng nghe. Có thể bạn chưa thông thạo từ vựng cũng như ngữ pháp, thì bạn sẽ nghĩ là bắt đầu từ kỹ năng nghe sẽ rất khó.
Tuy nhiên mục đích của việc nghe nhiều đó là giúp các bạn quen với cách phát âm của người Nhật. Bên cạnh việc học chữ cái, Kèm theo đó, việc học phát âm sao cho đúng cũng là một vấn đề quan trọng. Các bạn phải học cách phát âm đúng ngay từ đầu, bởi nếu phát âm sai sẽ gây khó hiểu hoặc hiểu sai vấn đề, hơn nữa sau này sẽ rất khó sửa.
Hôm nay, mình sẽ đưa ra một số lưu ý, những lỗi thường gặp khi phát âm trong bảng chữ cái tiếng Nhật. Như các bạn đã biêt thì tiếng nhật có 2 bảng chữ cái là Hiragana và Katakana, cơ bản chỉ khác nhau về chữ viết còn phát âm thì tương tự nhau.
1.Nguyên âm trong tiếng Nhật không hoàn toàn giống như tiếng Việt.
Đây là lưu ý thứ nhất. Trong tiếng Nhật có 5 nguyên âm cơ bản là あ a, い i, う u, え e, お o.
Nguyên âm あ a trong tiếng Nhật đọc gần như tiếng Việt nhưng hơi nhẹ hơn một chút. い i và お o có cách đọc tương tự như tiếng Việt. Đối với う u chúng ta giữ khẩu hình miệng của chữ u và phát âm ư nên nghe như giữa u và ư. Về え echúng ta cũng phát âm giữa e và ê nhé.
Vì tiếng Nhật có ngữ điệu nên khi đọc liền mạch ta không thể đọc là /a i ư ê ô/ mà phải đọc là /à i ư ề ộ/.
2. Phụ âm /g/.
Phụ âm /g/ có cách đọc tương tự tiếng Việt. Tuy nhiên, âm /g/ đứng đầu sẽ phát âm là /g/ nhưng khi đứng giữa hoặc cuối thường có xu hướng phát âm thành /ng/
3. Chữ shi し phát âm cong lưỡi so với các chữ còn lại trong hàng sa さ.
Hàng さ sa các bạn phát âm như /x/ của tiếng Việt, nhưng chữ し shi các bạn phải cong lưỡi lên.
Tương tự, hàng ざ za phát âm như /gi/ của tiếng Việt, nhưng chữ じ ji cũng phải cong lưỡi lên.
Khi học nghe giọng Tokyo, chúng ta nghe thấy người Nhật thường không phát âm です、ます、ました、… là đê-xừ, ma-xừ, ma-shi-tà, mà phát âm thành đê-x’, mas’, ma-sh’-ta. Tức là những âm す、し trở thành giọng gió. Dù trở thành giọng gió, bạn phải luôn phát âm chữ し cong lưỡi lên.
4. Chữ tsu つ trong hàng ta た khó phát âm.
Đây là một âm không có trong tiếng Việt, vì vậy khá khó để chúng ta tiếp cận ngay lập tức. Để phát âm được âm này, môi của bạn phải đưa ra phía trước một tí, lưỡi chạm hai hàm răng, bật nhẹ và phát âm /sư/.
5. Phụ âm /r/ trong tiếng Nhật không giống như trong tiếng Việt.
Với bạn nào thường nghe nhạc Nhật hay xem anime nhiều chắc chắn sẽ nhận ra rằng đôi lúc âm /r/ được phát âm nghe như /l/ hay thậm chí như /d/. Đây cũng là thắc mắc của nhiều bạn tự học tiếng Nhật. Điều này thực chất là do khẩu hình miệng, cử động môi, lưỡi,… làm cho cách phát âm /r/ của tiếng Nhật rất khác tiếng Việt.
Để phát âm đúng, lưỡi chạm hàng răng trên và bật lưỡi nhẹ ra. Có thể thấy việc phát âm này không hề dễ, nên cần nhiều sự luyện tập hơn.
6. Chữ -n ん được phát âm thành /-n/, /-m/ hay /-ng/ tùy chữ đứng sau nó.
Nguyên tắc chung là:
Nếu chữ đứng sau thuộc hàng ba ば, pa ぱ, ma ま thì ん sẽ được phát âm là /-m/. Nếu chữ đứng sau thuộc hàng ka か, ga が thì ん sẽ được phát âm là /-ng/. Các trường hợp còn lại là /-n/.
Tại sao có sự phức tạp như vậy? Vì biến đổi như thế để phát âm tự nhiên hơn. Ví dụ: sambo サンボ, người Nhật sẽ thấy khó khăn khi phát âm là san-bo, phát âm sam-bo sẽ dễ hơn và tự nhiên hơn.
Tất nhiên việc phân biệt ở đây chỉ là tương đối và cũng có ngoại lệ.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn vừa mới bắt đầu học tiếng Nhật có thể nắm được cách phát âm bảng chữ cái tiếng Nhật đúng ngay từ lúc bắt đầu sẽ dễ dàng hơn cho các bạn về sau này. Chúc các bạn thành công.
Thông tin liên hệ:
- Hotline: 097.185.8022
- Website: HanoiLink.vn
- Facebook: Du học Nhật Bản HanoiLink
- Facebook: Tiếng Nhật Hanoilink
- Youtube: Hanoilink: Giúp bạn đi Du học, làm việc tại Nhật
- Youtube: Tiếng Nhật Hanoilink
- Tiktok: Tiếng Nhật Hanoilink
- Địa chỉ: Trung tâm GDNN – GDTX Thanh Trì, Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội
- Văn phòng tư vấn và tiếp nhận hồ sơ: HH1C Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội